Doanh số xe nhập khẩu có áp đảo được xe trong nước tại Việt Nam?
Doanh số xe nhập khẩu đã trội hơn lượng tiêu thụ xe lắp ráp trong 3 kỳ báo cáo gần nhất, khiến chênh lệch về doanh số giữa 2 nhóm xe này sau nửa đầu năm 2024 là không quá đáng kể.
|
Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), doanh số toàn thị trường ôtô Việt Nam sau khi kết thúc 6 tháng đầu năm đạt 134.884 xe, tương đương mức giảm xấp xỉ 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số này, doanh số xe lắp ráp đạt 67.849 xe, trong khi nhóm ôtô nhập khẩu cũng hoàn tất bàn giao 67.035 xe cho khách hàng trong nước.
Cán cân đang dần trở nên cân bằng
Trong giai đoạn 2021-2023, thị trường ôtô Việt Nam chỉ 3 lần ghi nhận doanh số xe nhập khẩu cao hơn xe lắp ráp tại một kỳ báo cáo. Tháng 6 và tháng 7 của năm 2022 cũng là lần hiếm hoi chứng kiến lượng tiêu thụ xe nhập khẩu nhỉnh hơn nhóm xe lắp ráp trong 2 kỳ báo cáo liền nhau.
Tuy nhiên chỉ trong nửa đầu năm 2024, có đến 3 tháng liên tiếp ở quý II ghi nhận doanh số xe lắp ráp lép vế trước lượng tiêu thụ của nhóm ôtô nhập khẩu.
Nhờ đó, doanh số xe lắp ráp sau 6 tháng đầu năm đạt 67.849 xe, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi doanh số ôtô nhập khẩu lại tăng trưởng đến 16%, đạt tổng cộng 67.035 xe sau khi kết thúc quý II.
Tương quan doanh số giữa 2 nhóm xe dần tiến về mức cân bằng được cho là chịu ảnh hưởng không nhỏ từ sức bán tốt của các mẫu xe nhập khẩu tại thị trường Việt Nam. Hiện, Mitsubishi Xpander đang là mẫu xe bán tốt nhất toàn thị trường với doanh số 7.773 xe thì riêng các phiên bản nhập khẩu đã đóng góp đến 7.000 xe, tương đương tỷ trọng hơn 90%.
Trong khi đó, những mẫu xe lắp ráp nổi bật như Mazda CX-5 (5.270 xe), Hyundai Accent (4.988 xe) hay Toyota Vios (4.215 xe), Kia Sonet (3.419 xe) và Honda City (3.316 xe) lại đang tỏ ra tương đối yếu thế trên đường đua doanh số.
Những mẫu xe này cũng được xem như đã nằm ngoài cuộc đua cho vị trí bán chạy nhất toàn thị trường bởi khoảng cách về doanh số với nhóm dẫn đầu đã là gần 2.500 xe.
|
Các mẫu xe lắp ráp như Hyundai Accent không còn nằm ở nhóm dẫn đầu doanh số toàn thị trường. Ảnh: TC Motor. |
Những lần đề xuất giảm lệ phí trước bạ bất thành trong nửa đầu năm 2024 cũng được xem là yếu tố khiến tâm lý khách hàng Việt bị ảnh hưởng khi có nhu cầu mua các mẫu xe lắp ráp trong nước.
Trước đó khi trao đổi với Tri thức - Znews, tư vấn bán hàng một đại lý Toyota tại TP.HCM từng thừa nhận nhiều khách hàng đang chờ đợi thời điểm công bố chính sách giảm phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước mới quyết định đặt cọc và mua xe.
Xe nhập khẩu hay xe lắp ráp sẽ chiến thắng năm nay?
Dù chênh lệch về doanh số hiện tại giữa xe lắp ráp và xe nhập khẩu chỉ là 814 xe, thật khó để khẳng định thị trường ôtô Việt Nam trong năm 2024 sẽ khép lại với sự áp đảo từ nhóm ôtô CBU.
Kết quả kinh doanh sau 6 tháng đầu năm cho thấy Toyota đang là hãng xe dẫn đầu thị trường ôtô du lịch với doanh số 22.338 xe. Hyundai xếp thứ hai với tổng cộng 19.293 ôtô du lịch được bàn giao đến tay khách hàng. Doanh số của Ford đạt 17.651 xe trong khi Mitsubishi báo cáo doanh số 14.622 xe trong nửa đầu năm 2024.
Toyota là hãng xe dẫn đầu về doanh số ôtô du lịch tại Việt Nam, nếu tạm bỏ qua VinFast do hãng này không công bố doanh số của từng thị trường. Ảnh: Minh Quân. |
Trong số này, Toyota sở hữu một số mẫu xe lắp ráp nổi bật như Toyota Vios hay Toyota Veloz Cross. Hyundai có phần lớn xe du lịch được lắp ráp trong nước, trừ Hyundai Stargazer vẫn đang nhập khẩu từ Indonesia.
Doanh số của Ford phần nhiều đến từ Ford Territory, Ford Transit và các phiên bản lắp ráp của Ford Ranger, trong khi Mitsubishi lại là hãng xe chủ yếu phân phối các dòng ôtô nhập khẩu.
Ngoài ra, VinFast cũng là một trong số những hãng xe đang tiến hành lắp ráp ôtô ngay tại nhà máy ở Việt Nam. Hãng xe điện này công bố doanh số 21.747 xe trên toàn cầu trong 6 tháng đầu năm, phần lớn đến từ thị trường Việt Nam.
VF 5 Plus được xem là “át chủ bài” của VinFast trong 6 tháng đầu, và hứa hẹn sẽ tiếp tục duy trì doanh số tốt trong giai đoạn sau của năm 2024. VF 3 sẽ giao xe vào tháng 8 tới đây nhiều khả năng cũng sẽ đóng góp không nhỏ vào doanh số của hãng xe Việt.
|
VinFast VF 5 Plus được xem là “át chủ bài” tiếp theo của hãng xe Việt Nam. Ảnh: VinFast. |
Bên cạnh đó, sức bán của các mẫu xe “quen mặt” trên thị trường như Mazda CX-5, Hyundai Accent hay Toyota Vios cũng không thể bị xem thường. Dù gần như không còn cơ hội cạnh tranh ngôi đầu với Mitsubishi Xpander hay Ford Ranger, những cái tên kể trên có thể sẽ khiến cán cân doanh số nghiêng về nhóm xe lắp ráp.
Ngoài ra, dù nhiều khả năng chính sách ưu đãi phí trước bạ dành cho ôtô lắp ráp trong nước sẽ khó được áp dụng trong nửa cuối năm nay, các đại lý và hãng xe có thể tiếp tục triển khai chương trình khuyến mại dưới hình thức tương tự với kỳ vọng gia tăng doanh số.
Trên thực tế, một số mẫu xe tại thị trường Việt Nam, cả nhập khẩu lẫn lắp ráp, đều đang được áp dụng ưu đãi tương đương tối đa 100% lệ phí trước bạ. Các dòng xe nổi bật thuộc nhóm này bao gồm Honda City, Honda CR-V, Mitsubishi Xforce, Mitsubishi Xpander, Toyota Vios, Toyota Veloz Cross, Toyota Avanza Premio cùng với Subaru Forester.
Các chương trình khuyến mại này có thể là yếu tố khiến cán cân doanh số đảo chiều rất nhanh. Do đó, việc xe lắp ráp hay xe nhập khẩu sẽ “chiến thắng” tại thị trường Việt Nam trong năm nay sẽ chỉ tìm được câu trả lời khi năm 2024 khép lại.
xe mới về
-
Lexus LS 460L 2007
585 Triệu
-
Toyota Innova 2.0E 2014
288 Triệu
-
Kia Morning S AT 2018
288 Triệu
-
Chevrolet Captiva LTZ 2.4 AT 2008
195 Triệu
-
Kia Seltos Premium 1.4 AT 2020
565 Triệu
-
Kia Morning Si AT 2016
268 Triệu